NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA NHẬT BẢN (P1)


NÚI PHÚ SĨ – BIỂU TƯỢNG CỦA NHẬT BẢN

Với độ cao 3776m, núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất ở Nhật Bản và cũng là ngọn núi được nhiều người Nhật yêu thích nhất. Núi Phú Sĩ nằm trên đường ranh giới giữa hai tỉnh Shizuoka và Yamanashi ở trung bộ đảo chính Honshu.

Núi Phú Sĩ có hình chóp tuyệt đẹp, nổi tiếng trên toàn thế giới như là biểu tượng của Nhật Bản đồng thời tạo cảm hứng cho nhiều thế hệ các nghệ sĩ và thi sĩ của xứ Phù Tang. Tuy đã nằm im từ năm 1707, ngọn núi này vẫn được các nhà địa chất học xếp vào loại núi lửa đang hoạt động.

Tại đỉnh núi Phú Sĩ có một miệng núi lửa với đường kính khoảng 850m và sâu 220m. Trên núi, cây cối chỉ mọc được từ độ cao 2400-2800m trở xuống, còn từ độ cao đó lên tới đỉnh núi là những sườn núi trơ trụi chỉ có nham thạch. Đường kính ở chân núi, kể cả các vùng nham thạch rộng lớn, vào khoảng 40-50km. Nham thạch từ núi Phú Sĩ được phát hiện thấy ở đáy biển gần Tagonoura, cho thấy dòng nham thạch từng phun lên tới độ cao gần 4000m. Núi Phú Sĩ khác thường ở chỗ hoàn toàn không có hoạt động phun khói hay động đất, tuy là núi lửa tương đối trẻ.

Hiện tại, nhiều người leo núi Phú Sĩ như một thú vui. Trong mùa leo núi, từ ngày 1/7 đến 31/8, mỗi ngày có đến hàng chục ngàn người leo núi Phú Sĩ. Song, leo núi Phú Sĩ khởi đầu là một tập tục mang tính chất tôn giáo. Lịch sử của núi Phú Sĩ với vai trò trung tâm hành hương có nghĩa là trước khi việc leo núi này trở thành thú vui giải trí, có rất nhiều quy định nghiêm ngặt cho những ai muốn lên tới đỉnh cao nhất nước Nhật. Một ví dụ là từ năm 1871 trở về trước, phụ nữ hành hương bị cấm không được vượt quá trạm thứ 2. Lý do là vì người ta nói phụ nữ làm ô uế sự hiện diện của thánh thần nên có thể gây ra thời tiết xấu.

Xưa kia có những thủ tục nhất định trong việc leo núi Phú Sĩ. Những người hành hương phải tẩy rửa thân thể trong sạch tại 5 hồ lớn ở chân núi, và lưu lại một đêm tại các nhà trọ kiểu đặc biệt.

Những người hành hương mặc đồ trắng, lên tới trạm thứ 8 và nghỉ một đêm trong lều. Sáng sớm hôm sau, họ sẽ lên đỉnh núi để ngắm bình minh, tiếng Nhật gọi là goraiko, sau đó đi một vòng quanh miệng núi lửa trước khi xuống núi theo một đường khác.

Ngày nay vẫn có thể gặp những người ăn vận đồ trắng leo núi Phú Sĩ. Họ là các tín đồ của Fujikyo – một đoàn thể vừa mang những yếu tố của Thần đạo, vừa mang những yếu tố của đạo Phật – coi ngọn núi như một nơi linh thiêng. Tục truyền rằng người sáng lập ra Fujikyo đã 128 lần lên tới đỉnh Phú Sĩ trong quãng đời 106 năm của mình.

KIMONO – TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI NHẬT

Kimono có nghĩa là: “đồ để mặc”, hoặc Hòa phục, nghĩa là “y phục Nhật” là loại y phục truyền thống của Nhật Bản.

Kimono dành cho phụ nữ chỉ có một cỡ duy nhất, người mặc cần phải bó y phục lại cho phù hợp với bảnthân mình. Kimono có 2 loại, tay rộng và tay ngắn. Phụ nữ đã lấy chồng thường không mặc loại tay rộng vì rất vướng víu khi làm việc. Khi mặc kimono phải mặc juban trước, là một áo kimono lót để bảo vệ kimono khỏi dơ, sau đó cuốn bên phải vào trước, bên trái vào sau, và thắt lại bằng thắt lưng Obi làm bằng lụa, rất đắt tiền. Nếu quấn bên trái trước nghĩa là bạn sắp đi dự tang lễ. Việc mặc kimono mất thời gian, và hầu như không thể tự mặc. Người mặc kimono phải đi guốc gỗ, và mang bít tất Tabi màu trắng.

Người Nhật đã sử dụng kimono trong vài trăm năm nay. Ngày nay, kimono thường chỉ được sử dụng vào các dịp lễ tết. Phụ nữ Nhật mặc kimono phổ biến hơn nam giới, và thường là kimono có màu và hoa văn nổi bật. Phái nam dùng kimono chủ yếu trong lễ cưới và buổi lễ trà đạo. Kimono dành cho nam giới thường không có hoa văn, và có màu tối hơn.

Yukata là loại kimono mỏng mặc mùa hè, thường làm bằng vải mát như cotton. Khi đến onsen (suối nước nóng), người ta thường mặc yukata.